Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Bài viết về hôn nhân

Chu Xuân Minh
Phó Chánh toà Dân sự TANDTC
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
Quan hệ hôn nhân là loại quan hệ tồn tại trong một thời gian dài. Nhà nước ta đã 3 lần ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình (1959, 1986, 2000). Thời kì hôn nhân của một quan hệ hôn nhân có thể bắt đầu trước khi ban hành Luật HN-GĐ 1959 đang có hiệu lực và chấm dứt ở thời điểm Luật HN-GĐ 1986 đang có hiệu lực (kết hôn năm 1965 và ly hôn năm 1995, chẳng hạn). Vấn đề đặt ra là, áp dụng Luật HN-GĐ ở thời điểm nào (khi kết hôn hay khi ly hôn) để giải quyết tranh chấp về quan hệ HN và GĐ. Thực tiễn cho thấy trong quá trình xét xử còn có nhiều Thẩm phán hiểu chưa đúng hiệu lực áp dụng của Luật HN-GĐ và do vậy, đã không xác định đúng tính chất của quan hệ hôn nhân (hợp pháp hay không hợp pháp), tính chất pháp lý của tài sản (tài sản riêng hay tài sản chung) nên đã xác định không đúng về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể. Trong nhiều đơn khiếu nại, kháng cáo, Tòa án thường gặp câu hỏi là: "Tại sao quan hệ hôn nhân của cha mẹ chúng tôi đã chấm dứt từ lâu mà lại mang pháp luật hiện nay ra để áp dụng, soi xét?". Và cũng có câu hỏi ngược lại: "Tại sao Luật Hôn nhân và Gia đình 1959 đã hết hiệu lực, Tòa án vẫn còn áp dụng để phán quyết tài sản riêng là tài sản chung?".
Đối với việc giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân thì cần xác định tính chất quan hệ hôn nhân ở thời điểm thụ lý vụ án. Nhưng đối với những việc xin chia thừa kế thì cần xác định tính chất quan hệ hôn nhân ở thời điểm mở thừa kế. Từ việc xác định được tính chất của quan hệ hôn nhân mới xác định đúng được các quyền, nghĩa vụ cụ thể.
Ví dụ: Quan hệ giữa Ông A, và bà B được xác định là quan hệ hôn nhân hợp pháp thì khi ông A chết trước, bà B có quyền hưởng thừa kế của ông A, và việc chia tài sản chung của ông A và bà B tuân theo Luật Hôn nhân vàGia đình; nếu giữa hai ngưòi không được công nhận là hôn nhân hợp pháp thì bà B không được hưởng thừa kế của ông A và việc chia tài sản chung tuân theo quy định của Luật Dân sự.
Pháp luật dân sự thường là không có hiệu lực "hồi tố" vì pháp luật dân sự chủ yếu là xác định các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, hướng dẫn xử sự của các chủ thể. Để xác định một chủ thể có những quyền gì, phải thực hiện những nghĩa vụ gì, xử sự của họ có hợp pháp không là phải căn cứ vào pháp luật ở thời điểm giao dịch. Luật HN-GĐ tuy mang tính chất của luật dân sự nói chung nhưng, không phải là không có những quy định có tính chất "hồi tố" (sẽ nói ở phần sau).
Trong khoảng thời gian có hiệu lực của một luật cụ thể (có thể là Luật 1959, 1986, 2000) bao giờ cũng có hệ thống những văn bản pháp luật để giải thích, hướng dẫn áp dụng luật đó. Ví dụ: Để hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình 1959 (thời gian có hiệu lực từ 3/1/1987 đến 31/12/2000) có Nghị quyết từ 13/1/1960 đến 2/1/1987) có Thông tư 60 ngày 22/2/1978 của Tòa án nhân dân tối cao…
Tương tự như vậy, để hưỡng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 (thời gian có hiệu lực từ 3/1/1987 đến 31/12/2000) có Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 20-1-1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…
Đáng lưu ý là, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2001) đã có nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng và đặc biệt là có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng của Chính phủ. Nhiều văn bản pháp luật của Chính phủ không chỉ bao gồm những quy phạm mang tính chất của luật dân sự, không phải chỉ để cơ quan hành chính thực thiện việc áp dụng luật mà còn để Tòa án phải áp dụng những quy định này khi giải quyết các án kiện về hôn nhân và gia đình (ví dụ Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình).
Trong phạm vi thời gian có hiệu lực của một luật cụ thể, khi có văn bản hướng dẫn áp dụng (văn bản dưới luật) thì chúng ta phải tuân thủ các quy định cụ thể của văn bản hướng dẫn đó. Tuy nhiên, đối với những vấn đề chưa có hướng dẫn áp dụng thì phải căn cứ các quy định của Luật (tinh thần và lời văn của điều luật, các nguyên tắc chung, và cả ý thức pháp luật) để áp dụng giả quyết các vụ án chứ không thể cho rằng chưa có hướng dẫn thì chưa áp dụng.
Ví dụ: Đã có quy định về việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên (Điều 41 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Tuy đây là quy định mới, chưa có hướng dẫn nhưng Toà án không thể từ chối không thụ lý, xét xử vì chưa có hướng dẫn áp dụng.
Về phạm vi áp dụng những văn bản hướng dẫn của Luật cũ, nay có Luật mới thì có còn giá trị áp dụng hay không, chúng tôi có ý kiến như sau:
Những vấn đề trước đây đã hướng dẫn nhưng nay đã có hướng dẫn thay thế thì phải áp dụng hướng dẫn mới. Ví dụ: Trước đây đã có hướng dẫn xác định về tiêu chí hôn nhân thực tế. Nay nếu quan hệ hôn nhân thực tế vẫn tiếp tục tồn tại thì tiêu chí xác định lại theo hướng dẫn mới (NQ 35/2000 và TTLT 01/2001).
Nhưng nhiều vấn đề đã được hướng dẫn trước đây, nay chưa có hướng dẫn mới và hướng dẫn cũ không trái với các quy định của Luật mới thì chúng ta có quyền và cần thiết phải vận dụng những hướng dẫn trước đây. Ví dụ: Thông tư số 01 Tòa án nhân dân tối cao ngày 6/1/1964; NQ 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…
Tuy nhiên cần lưu ý là: Những văn bản pháp luật trước đây vẫn có giá trị áp dụng là những hướng dẫn xét xử, giải quyết án kiện còn những văn bản pháp quy có tính hướng dẫn xử sự của các chủ thể (Ví dụ: Điều kiện kết hôn, thủ tục kết hôn) thì không thể còn giá trị để hướng dẫn sau khi Luật cũ hết hiệu lực.
Dưới góc độ nghiên cứu về hiệu lực áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình theo thời gian, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi về việc áp dụng hiệu lực theo thời gian để xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp đối với trường hợp không tuân theo nguyên tắc một vợ một chồng, trường hợp không đăng ký kết hôn, và vấn đề xác định tài sản riêng của vợ, chồng.
II. XÁC ĐỊNH HÔN NHÂN HỢP PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG TUÂN THEO NGUYÊN TẮC MỘT VỢ MỘT CHỒNG
1. Trường hợp kết hôn trước khi Luật Hôn nhân Gia đình có hiệu lực:
Do đặc điểm lịch sử của nước ta, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 (có hiệu lực ngày 13/1/1960) sau khi ban hành, mới chỉ có hiệu lực ở miền Bắc. Theo quy định của Luật này thì kể từ 13/1/1960, những trường hợp kết hôn vi phạm nguyên tắc mộtt vợ một chồng là hôn nhân không hợp pháp. Các quan hệ hôn nhân xác lập trước thời điểm 13/1/1960 không bị điều chỉnh bởi nguyên tắc của Luật hôn nhân và Gia đình 1959 nên dù có quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng vẫn được coi là hợp pháp (nói chính xác là không trái pháp luật). Những quan hệ hôn nhân này là hợp pháp nên các chủ thể (vợ hoặc chồng) có quyền và nghĩa vụ theo quan hệ hôn nhân hợp pháp. Cụ thể như, họ có quyền thừa kế tài sản của nhau nhưng nếu họ không được Tòa án cho ly hôn mà đã kết hôn với người khác (kể từ thời điểm 13/1/1960) là trái pháp luật, hôn nhân sau không được công nhận.
Cũng cần lưu ý là, quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng trước Luật Hôn nhân và gia đình 1959 có thể có đăng ký giá thú, cũng có thể không có đăng ký. Do tồn tại lịch sử, chúng ta không chỉ thừa nhận những quan hệ hôn nhân có đăng kí là hợp pháp mà cả những quan hệ hôn nhân thực tế cũng được coi là hợp pháp.
Ở miền Nam, thời điểm áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình 1959 là ngày 25/3/1977 (ngày ban hành Nghị quyết 76/CP công bố danh mục văn bản pháp luật áp dụng trong cả nước, trong đó có luật Hôn nhân và gia đình năm 1959). Tương tự như ở miền Bắc , những quan hệ hôn nhân xác lập trước ngày 25/3/1977 ở miền Nam không tuân theo nguyên tắc một vợ một chồng vẫn được công nhận hợp pháp.
2. Trường hợp công nhận hôn nhân hợp pháp theo TT60/TATC ngày 22/2/1978 của Tòa án nhân dân tối cao.
Đối tượng đề cập trong Thông tư 60 là bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ, chồng khác. Thông tư 60 quy định: Nay nếu vợ hoặc chồng ở miền Nam vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và vẫn muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì công nhận cả hôn nhân trước đây và hôn nhân mới là hôn nhân hợp pháp.
Cần chú ý là Thông tư 60 quy định hướng giải quyết khá cụ thể cho từng loại quan hệ hôn nhân và chỉ với những quan hệ hôn nhân được xác lập trong thời gian từ sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ đến ngày Luật Hôn nhân và gia đình áp dụng trong cả nước (từ ngày 20/7/1954 đến 25/3/1977).
Quy định của Thông tư 60 là trường hợp công nhận hôn nhân hợp pháp đặc biệt trên cơ sở xét đến hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, yêu cầu ổn định quan hệ gia đình phù hợp đạo lý và giải quyết hậu quả đặc biệt của chiến tranh.
Vấn đề đặt ra là, trường hợp cán bộ, bộ đội đã có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc, vào miền Nam chiến đấu, công tác lại có quan hệ hôn nhân mới ở miền Nam có được công nhận hôn nhân mới ở miền nam là hợp pháp theo quy định của Thông tư 60 hay không? Trước hết, phải xác định các đối tượng này không phải là các chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 60. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh và yêu cầu nhiệm vụ công tác mà có cơ sở xem xét giống như quy định tại Thông tư 60 thì chúng tôi cho rằng cũng cần công nhận quan hệ hôn nhân mới của họ là hợp pháp (cùng với quan hệ hôn nhân đã có trước ở miền Bắc). Ví dụ: Do điều kiện công tác mà cơ quan, tổ chức của một người đồng ý cho họ kết hôn (mặc dù họ đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc)…
Riêng với trường hợp đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc lại kết hôn ở miền Nam trong khoảng thời gian từ 1/5/1975 đến trước 25/3/1977 (thời gian mà đất nước đã thống nhất nhưng Luật Hôn nhân và gia đình chưa áp dụng ở miền Nam) thì không thể công nhận quan hệ hôn nhân sau là hợp pháp. Người đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc biết rõ quan hệ hôn nhân mà họ đang có là hợp pháp và việc họ chưa được ly hôn lại kết hôn với người khác là trái pháp luât; điều kiện đất nước đã giải phóng, đã thống nhất nên không còn cơ sở để chấp nhận việc họ không thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình 1959.
3. Có nên có chế định về ly hôn thực tế
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì việc ly hôn phải được Tòa án công nhận. Một quan hệ hôn nhân không bị coi là bất hợp pháp mà chưa được Tòa án cho ly hôn thì nó vẫn tồn tại cho dù vợ, chồng đã sống ly thân nhiều năm. Nếu người vợ hoặc người chồng đi kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân sau là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu áp dụng nguyên tắc trên cho cả những quan hệ hôn nhân được xác lập trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực (trước 13/1/1960 ở miền Bắc và trước 25/3/1977 ở miền Nam) thì sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý không ổn về mặt đạo lý.
Ví dụ 1: Ông A kết hôn với bà B năm 1955 tại Huế. Năm 1959, bà B vào Sài Gòn sinh sống và kết hôn với người khác. Ông A ở lại Huế và chung sống với người phụ nữ khác (có con chung). Năm 1995, bà B do vỡ nợ bị kê biên phát mại ngôi nhà mà bà đứng tên mua tại Sài Gòn năm 1960. Ông A khởi kiện cho rằng, ông vẫn là chồng hợp pháp của bà B và ngôi nhà bà B đứng tên mua năm 1960 chính là tài sản chung của ông và bà B, ông yêu cầu được chia 1/2 nhà.
Ví dụ 2: Ông X kết hôn với bà Y năm 1965 tại Mỹ Tho. Ông X tham gia kháng chiến và ở nhà bà Y đã có quan hệ hôn nhân với người khác. Sau ngày giải phóng, ông X có biết bà Y đã lấy chồng, và ông X thực tế không còn quan hệ vợ chồng với bà Y nữa. Năm 1978, ông X kết hôn với bà H (có đăng ký kết hôn). Năm 2000, ông X chết, năm 2001 và bà Y chết. Nay, các con chung của ông X và bà Y cho rằng quan hệ vợ chồng giữa ông X và bà Y là hợp pháp vì chưa có Tòa án nào cho ly hôn nên quan hệ vợ chồng giữa ông X và bà H là không hợp pháp; yêu cầu không cho bà H hưởng thừa kế của ông X.
Các yêu cầu khởi kiện của các đương sự ở hai ví dụ nêu trên (thực tế đã có những vụ kiện tương tự có cơ sở pháp lý nhưng lại gượng ép về mặt đạo lý. Trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực, ông A và bà B (trong ví dụ 1) cũng như ông X và bà Y (trong ví dụ 2) đều xác định họ đã thực tế chấm dứt quan hệ vợ chồng, (họ hàng và xã hội đã xác định như vậy) và họ không phải kiện ra Tòa xin ly hôn (đối với quan hệ hôn nhân cũ) thì quan hệ mới mà họ đang có vẫn được thừa nhận. Nay, dựa vào 2 quy dịnh phải được Tòa án cho ly hôn mới là ly hôn hợp pháp để nhằm trốn tránh nghĩa vụ (như ví dụ 1) hay tước bỏ quyền lợi chính đáng của người khác (như ví dụ 2) có thoả đáng không? Chúng tôi cho rằng, nên có quy định về việc ly hôn thực tế, không công nhận họ còn tồn tại quan hệ vợi chồng trong trường hợp quan hệ hôn nhân thực tế đã chấm dứt trước khi Luật hôn nhân và Gia đình có hiệu lực (trước 13/1/1960 ở miền Bắc và trước 25/3/1977 ở miền Nam).
Thực tế cũng đã từng có quy đình về ly hôn thực tế. Đó là quy định trong Thông tư 60: "Nếu người vợ ở trong miền Nam đã thực sự lấy chồng khác, nay lại đòi trở về với người chồng tập kết và người này đã có gia đình khác rồi, thì Tòa án giải thích chính sách khuyên họ rút đơn nếu họ không rút đơn thì sẽ bác đơn".
III. CÔNG NHẬN HÔN NHÂN HỢP PHÁP ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN.
1. Nghị quyết số 35/2000 NQ-QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình
Nghị quyết số 35/2000) là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 mà nội dung chủ yếu là xử lý đối với hôn nhân không có đăng ký kết hôn. Các văn bản pháp luật hướng dẫn theo NQ 35/2000 là:
- Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ (Nghị định 77/2001)
- Nghị quyết số 02/2000 NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (NQ số 02/2000).
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3-1-2001 (Thông tư liên tịch số 01/2001).
- Công văn số 112/2001 -KHXX ngày 14/9/2001 của Toà án nhân dân tối cao (Công văn số 112/2001).
- Kết luận số 84a/UBTVQH 11 ngày 29/4/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (kết luận số 84a).
Từ Nghị quyết số 35/2000, có một số thuật ngữ, khái niệm cần lưu ý là:
- "Quan hệ vợ chồng được xác lập" chỉ thời điểm bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng hay đó là ngày kết hôn thực tế.
- "Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng" là tình trạng mà trước đây gọi là "hôn nhân thực tế".
- "Áp dụng các quy định về ly hôn" có nghĩa công nhận quan hệ hôn nhân đó cũng là hôn nhân hợp pháp, giải quyết cho ly hôn như các trường hợp hôn nhân hợp pháp khác.
- "Không công nhận quan hệ vợ chồng" thay thế cho thuật ngữ "tiêu hôn" trước đây. Cũng cần lưu ý cùng với loại quan hệ hôn nhân bị tuyên bố "không công nhận quan hệ vợ chồng" thì còn có loại quan hệ hôn nhân bị tuyên bố "huỷ việc kết hôn trái pháp luật" (là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định - khoản 3 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000).
Cũng là quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, NQ 35/2000 chia các quan hệ trên thành 3 loại để có quy định giải quyết khác nhau căn cứ vào thời điểm xác lập quan hệ:
- Loại xác lập trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực:
- Loại xác lập trong thời kì Luật Hôn nhân và Gia dình năm 1986 có hiệu lực;
- Loại xác lập sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 hết hiệu lực (thay thế bằng luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).
Đối với quan hệ vợ chồng được xác lập trước khi Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực (trước ngày 03/01/1987) được quy định ở điểu a khoản 3. Loại quan hệ này không bắt buộc phải đăng ký kết hôn mà chỉ khuyến khích đăng ký kết hôn. Nếu họ đăng kí kết hôn thì việc tham gia các giao dịch có căn cứ pháp lý và thuận lợi hơn, Nhà nước tạo điều kiện để họ đăng kí kết hôn được dễ dàng. Nhưng dù họ có đăng kí kết hôn hay không đăng kí kết hôn thì quan hệ vợ chồng vẫn được công nhận là hợp pháp và thời kì hôn nhân hợp pháp bắt đầu kể từ ngày xác lập.
Trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập kể từ ngày Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực (01/01/2001) trở đi được quy định ở điểm c khoản 3. Loại quan hệ này không được công nhận là vợ chồng hợp pháp; khi họ đi đăng kí kết hôn thì thời kì hôn nhân hợp pháp cũng chỉ được tính kể từ ngày đăng kí.
Trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập trong thời gian có hiệu lực của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 (từ 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001) được quy định trong điểm b khoản 3. Đây là trường hợp có quy dịnh cụ thể phức tạp hơn hai loại nêu trên, cần phải lưu ý khi áp dụng.
Quy định của điểm b khoản 3 của NQ 35/2000 được hướng dẫn chi tiết tại "Thông tư liên tịch 01/2001 là:
- Ngày họ tổ chức lễ cưới.
- (hoặc) ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc hai bên) chấp nhận.
- (hoặc) ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến.
- (hoặc) ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Xác định thời điểm bắt đầu hôn nhân như trên là tương ứng điều kiện để "Được coi nam và nữ chung sống với nhau là vợ chồng"- (điểm d khoản 1 TTLT 01/2001). Đáng lưu ý là các tiêu chí xác định ở đây mở rộng hơn nhiều so với các hướng dẫn trước đó về "hôn nhân thực tế". Không đòi hỏi họ phải "có con chung, có tài sản chung", "sống chung công khai được họ hàng, xã hội thừa nhận" như hướng dẫn trước đây. Điều kiện cụ thể nêu tại điểm b khoản 3 NQ 35/2000 chỉ đòi hỏi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau:
- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận;
- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Đặc trưng quy định cho trường hợp tại điểm b khoản 3 NQ 35/2000 khác với trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập trước Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 (trước 3/1/1987) và sau Luật Hôn nhân và gia đình 1986 (từ 01/01/2001) là quy định một thời hạn để họ đi đăng kí kết hôn. Thời hạn "đăng kí chậm" 2 năm này để giành quyền cho họ hợp pháp hoá quan hệ vợ chồng. Và như vậy, có thể có các khả năng như sau:
-Trường hợp 1: Họ xin ly hôn trong thời gian "đăng kí chậm". Trong thời hạn này, họ không đăng kí kết hôn mà yêu cầu xin ly hôn thì "Toà án áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết". Có nghĩa là hôn nhân đã có của họ được công nhận là hợp pháp từ thời điểm xác lập đến thời điểm cho ly hôn: các quyền và nghĩa vụ pháp lý xuất hiện trong thời kì hôn nhân này giống như các quan hệ hôn nhân hợp pháp khác.
Ví dụ 3: Ông A và và B chung sống với nhau như vợ chồng từ 01/01/1988 không có đăng kí kết hôn. Năm 1995, ông A mua được một ngôi nhà (không có công sức của bà B). Năm 1999, ông A bán nhà cho ông C (bà B không đồng ý bán nhà). Ngày 2/1/2001, ông A xin ly hôn bà B. Tòa án có cơ sở xác định cho ly hôn và xác định ngôi nhà mua năm 1995 là tài sản chung để phân chia cho ông A và bà B: hợp đồng mua bán nhà giữa ông A với ông C là vô hiệu.
- Trường hợp 2: Họ đăng kí kết hôn trong thời gian "đăng kí chậm". Quan hệ hôn nhân của họ được công nhận hợp pháp kể từ thời điểm xác lập. Trong ví dụ 3 nêu trên, nếu ông A và bà B lại đi đăng kí kết hôn vào ngày này, sau đó mới xin ly hôn và đến ngày 1/1/2001 mới được xét cho ly hôn thì thời kỳ hôn nhân hợp pháp của ông A và B là từ 1/1/1988 đến 1/1/2004 chứ không phải chỉ từ 2/1/2001 (ngày đăng kí kết hôn) đến ngày cho ly hôn. Và như vậy, ngôi nhà tạo lập năm 1995 là tài sản chung của vợ chồng.
- Trường hợp 3: Đến 15/1/2003, ông A và bà B mới đăng kí kết hôn. Trường hợp này, quan hệ hôn nhân hợp pháp của ông A và bà B chỉ được tính kể từ thời điểm kết hôn (15/1/2003). Và như vậy, ngôi nhà tạo lập năm 1995 là tài sản có trước hôn nhân, nó đương nhiên là tài sản riêng của ông A. Bởi vì, qua ngày 1/1/2003 họ không đăng kí kết hôn là họ đã tự xoá khả năng công nhận thời kỳ hôn nhân hợp pháp của toàn bộ quá trình chung sống trước đó.
-Trường hợp 4: Sau ngày 1/1/2003, ông A và bà B không đăng kí kết hôn và một trong hai người xin ly hôn thì phải xử không công nhận họ là vợ chồng. Thậm chí, họ không được Toà án xử cho ly hôn mà tự đi kết hôn với người khác thì hôn nhân mới không bị coi là vi phạm chế độ một vợ một chồng (vì sau ngày 1/1/2003 quan hệ chung sống trước đó giữa ông A và bà B đương nhiên bị coi là không hợp pháp).
2. Một số lưu ý liên quan đến Nghị quyết 35/2000
a. Kết luận số 84a UBTVQH 11 ngày 29/4/2003
Do việc tổ chức đăng kí kết hôn cho các đối tượng thuộc điểm b khoản 3 NQ 35/2000 ở nhiều địa phương còn chậm trễ nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định đối với các trường hợp đã đến đăng kí làm thủ tục kết hôn từ ngày 1/1/2003 trở về trước mà vẫn chưa được hoàn thiện thủ tục kết hôn thì "Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tiếp tục hoàn tất thủ tục đăng kí kết hôn công nhận họ là vợ chồng kể từ khi họ chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế".
Như vậy, có một số trường hợp đăng kí kết hôn sau ngày 1/1/2003 (đã quá thời kì "đăng kí chậm") sẽ vẫn được công nhận thời kì hôn nhân hợp pháp từ ngày xác lập chứ không phải chỉ từ ngày đăng kí.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thực tế phải đã được đăng kí kết hôn đúng thủ tục theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì những trường hợp nêu trên mới được hưởng "ưu đãi' theo Kết luận 84a; còn mặc dù họ đã xin đăng kí kết hôn mà sau đó họ từ bỏ ý định kết hôn (hoặc một bên từ bỏ) hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng kí kết hôn xác định có sự vi phạm điều kiện kết hôn khác nên không cấp đăng kí kết hôn thì họ vẫn không được công nhận là vợ chồng.
b. Trường hợp còn có vi phạm điều kiện kết hôn khác
Có trường hợp chung sống như vợ chồng không những không đăng kí kết hôn mà còn vi phạm các điều kiện kết hôn khác.
Ví dụ 4: Anh A chung sống như vợ chồng với chị B từ 1/1/1995. Khi ấy anh A mới 18 tuổi. Ngày 15/1/2001, anh A và chị B đăng kí kết hôn. Vậy thì thời kì hôn nhân hợp pháp của họ được tính từ ngày xác lập (1/1/1995) hay từ khi anh A đủ tuổi kết hôn (2/1/1996). NQ35/2000 quy định hợp pháp hoá cho những quan hệ hôn nhân chưa đăng kí nếu như không vi phạm các điều kiện kết hôn khác nên thời kì hôn nhân hợp pháp phải được tính từ khi họ không còn vi phạm nào khác ngoài vi phạm không đăng kí kết hôn. Trong trường hợp này, ngày được tính bắt đầu thời kỳ hôn nhân hợp pháp là từ 2/1/1996.
Ví dụ 5: Anh X và chị Y chung sống như vợ chồng từ năm 1998. Khi ấy, anh X còn có vợ là chị T. Đến 15/1/2001, anh X mới được Toà án cho ly hôn chị T và bản án có hiệu lực pháp luật. Anh X và chi Y đi đăng kí kết hôn ngày 15/2/2001. Vậy thời kì hôn nhân hợp pháp của anh X và chị Y có được tính từ ngày xác lập (1998) hay không?
Thời điểm bắt đầu chung sống của anh X và chị Y nằm trong thời kỳ từ 3/1/1987 đến 1/1/2001 như các trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 NQ35/2000. Thời điểm đăng kí kết hôn của anh X và chị Y cũng là trong thời gian "đăng kí chậm" từ 1/1/2001 đến 1/1/2003. Tuy nhiên, ở thời điểm bắt đầu chung sống họ còn có vi phạm vào chế độ một vợ một chồng. Thời điểm họ khắc phục được vi phạm này (15/1/2001) là nằm ngoài thời gian NQ35/2000 quy định từ (3/1/1987 đến 1/1/2001). Vì vậy, quan hệ hôn nhân anh X chị Y không thuộc loại quy định ở điểm b khoản 3 NQ35/2000. Anh X và chị Y chỉ được công nhận có quan hệ hôn nhân hợp pháp kể từ ngày đăng kí kết hôn là ngày 15/02/2001.
3. Hiệu lực "hồi tố" của NQ 35/2000
NQ 35/2000 được thông qua ngày 9/6/2000, nhưng là Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nên cũng chỉ có hiệu lực thi hành kể từ khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2001). Trong NQ 35/2000 có một số nội dung có tính chất "hồi tố" nhưng không phải tất cả các giao dịch liên quan đến hôn nhân và gia đình trước 1/1/2001 đều được áp dụng NQ 35/2000. Những quan hệ hôn nhân còn tồn tại đến thời điểm NQ 35/2000 cho hiệu lực mới là những quan hệ hôn nhân thuộc phạm vi quy định tại khoản 3 NQ 35/2000.
Ví dụ 6: Ông A và bà B chung sống từ 1988. Đến 1995, ông A chết. Để xác định có công nhận ông A và bà B có quan hệ hôn nhân hợp pháp (hôn nhân thực tế) hay không, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật ở thời điểm mở thừa kế của ông A (1995). Không thể áp dụng các tiêu chí xác định hôn nhân quy định ở NQ 35/2000 và các văn bản hướng dẫn áp dụng Nghị quyết này để xác định tính chất quan hệ hôn nhân giữa ông A và bà B.
Trong trường hợp ông A chết vào thời điểm sau khi NQ 35/2000 có hiệu lực (ví dụ: 15/1/2001) thì phải áp dụng NQ 35/2000 và các văn bản hướng dẫn áp dụng nghị quyết này. Nếu như việc xác lập quan hệ vợ chồng của ông A và bà B thuộc một trong các trường hợp quy định ở Thông tư liên tịch 01/2001 thì phải công nhận quan hệ hôn nhân giữa ông A và bà B là hợp pháp và thời kì hôn nhân hợp pháp là từ khi xác lập (1988) đến khi ông A chết (15/01/2001). Mặc dù họ chưa đăng kí kết hôn và cũng không thể thực hiện việc đăng kí kết hôn trong thời hạn quy định được nữa (vì một bên đã chết) nhưng NQ 35/2000 đã quy định "trong thời hạn này (1/1/2001 đến 1/1/2003) mà họ không đăng kí kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết" cũng có nghĩa là xác định họ có quan hệ hôn nhân hợp pháp ở thời điểm mở thừa kế của ông A (15/1/2001). Vấn đề này cũng đã được giải thích tại khoản 1 của Kết luận 84a.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét