Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

an tham khao

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Năm 1944, cha của ông T. chuyển nhượng cho cha của ông N. 5.000 m2 đất tọa lạc tại thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Sau khi hai người cha qua đời, ông T. và ông N. tiếp tục sử dụng đất. Trong hai năm 1990 và 1991, gia đình hai ông đều được UBND thị xã Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất. Mãi đến năm 2005, cho rằng phần đất đang sử dụng trên thực tế bị thiếu rất nhiều so với diện tích được công nhận trên giấy, ông N. đã khởi kiện yêu cầu ông T. trả lại hơn 1.300 m2.
Ông T. không chấp nhận yêu cầu này với lý do cha ông có 10.000 m2 đất và đã chuyển nhượng cho cha của ông N. một nửa. Sau khi chuyển nhượng, hai bên gia đình vẫn sử dụng đất ổn định mà không hề tranh chấp. Tứ cận phần đất của các bên vẫn như cũ, không bên nào mua thêm hoặc bán bớt.
Cuối năm 2006, TAND thị xã Tây Ninh xử sơ thẩm vụ án và tuyên buộc ông T. trả đất cho ông N. vì cho rằng “ông T. lấn đất của ông N.”. Ngay sau đó, VKSND thị xã Tây Ninh đã kháng nghị bản án sơ thẩm và yêu cầu TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm vụ án. Theo viện, diện tích đất các đương sự đang ở thực tế bị thiếu so với diện tích được cấp mà chính họ cũng không biết.
Cụ thể, diện tích ghi trên giấy của phía ông T. là 5.000 m2 nhưng thực tế đo được chỉ gần 3.000 m2. Tương tự, diện tích ghi trên giấy của ông N. là 4.000 m2 nhưng thực tế sử dụng chỉ hơn 2.000 m2. Tổng diện tích mà hai bên thực sự sử dụng chỉ có hơn 5.200 m2. So với diện tích ghi trên giấy chứng nhận được cấp, phần đất thiếu gần 4.000 m2. Nếu so với lời khai của bị đơn rằng đất ban đầu là 10.000 m2 thì diện tích thiếu lên đến gần 5.000 m2.
VKSND tỉnh Tây Ninh cho rằng đất của hai bên đều bị thiếu nên không thể xác định ông T. lấn đất của ông N. Mặt khác, ông N. cũng chỉ đóng thuế cho phần diện tích mình thực tế sử dụng nên cách xét xử của cấp sơ thẩm là không đúng.
Tháng 4-2007, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên xử phúc thẩm và đã hủy án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu. Lý do: cấp sơ thẩm không định giá phần đất tranh chấp để tính án phí, việc chứng minh và thu thập chứng cứ không thực hiện đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung.
Tháng 10-2007, TAND thị xã Tây Ninh xử sơ thẩm lại vụ án. Giải thích sai số về diện tích, cấp sơ thẩm cho rằng diện tích ghi trên giấy chỉ là việc chứng nhận các đương sự đã đăng ký ruộng đất, không phải được đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc thiếu hụt này không phải là vấn đề cần xem xét. Giấy chuyển nhượng ghi diện tích chuyển nhượng là 5.000 m2 đất. Đến nay, bên nhận chuyển nhượng chưa nhận đủ thì phải được nhận cho đủ. Vì vậy, yêu cầu trả đất của nguyên đơn có cơ sở chấp nhận.
Ông T. kháng cáo và cho rằng ngay cả khi đăng ký cấp “giấy đỏ” vào năm 2005, ông N. cũng chỉ ghi vào tờ trình diện tích hơn 2.000 m2. Chứng cứ này vẫn bị TAND tỉnh Tây Ninh bác bỏ khi mở phiên xử phúc thẩm thứ hai. Cấp phúc thẩm bác kháng cáo của ông T., giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo cấp phúc thẩm, ông N. đã có đơn yêu cầu đình chỉ việc cấp giấy sau khi nộp đơn khởi kiện. Giấy chuyển nhượng giữa hai người cha ghi rõ tứ cận nhưng diện tích thực tế chỉ có hơn 2.000 m2. Vì vậy, ông T. có nghĩa vụ trả cho ông N. số đất còn thiếu.
Ý kiến Anh, Chị?




Tranh chấp về bảo hiểm
Chiều 1-8-2008, cơn mưa lớn đã làm tầng hầm của tòa nhà Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (số 75 Hồ Hảo Hớn, quận 1, TP.HCM) bị ngập nước. Kéo theo đó, chiếc Mercedes đời C-231 đang nằm ở tầng hầm (trị giá hơn một tỷ đồng) bị hư hỏng nặng. Sự cố này đã làm phát sinh tranh chấp giữa ngân hàng với Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA về trách nhiệm bồi thường các thiệt hại liên quan.
Theo tường trình của Ngân hàng Đại Tín, 16 giờ hôm đó thì trời bắt đầu mưa. Khoảng nửa tiếng sau, nước tràn ngập đường phố và chảy vào tầng hầm của ngân hàng. Đến 17 giờ, tầng hầm đã bị ngập trong nước khoảng 0,5 m. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng vì mực nước cứ dâng cao và độ dốc của tầng hầm khá lớn nên các nhân viên của ngân hàng đã không thể đưa chiếc Mercedes ra khỏi tầng hầm. Chỉ một lát sau, nước trong hầm đã dâng lên hơn 1 m làm hệ thống dẫn điện của tòa nhà bị ngập trong nước. Bấy giờ, toàn bộ nhân viên của ngân hàng buộc phải sơ tán để tránh các rủi ro về điện.
Chiều hôm sau, đại diện của công ty bảo hiểm đã đến ngân hàng để điều tra vụ việc. Kết quả làm việc giữa các bên cho thấy ngân hàng đã bị thiệt hại 305 triệu đồng từ các hư hỏng của chiếc Mercedes.
Tuy nhiên, theo nhận định của công ty bảo hiểm thì rủi ro ngập nước gây thiệt hại cho chiếc Mercedes nêu trên không thuộc phạm vi bảo hiểm mà hai bên đã ký kết. Bởi lẽ, theo dự báo trước đó của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thì chiều 1-8 tại TP.HCM có mưa trên diện rộng, nhiều nơi mưa rất to. Cạnh đó, theo những ghi nhận tại hiện trường thì đó không phải là sự cố bất khả kháng.
Dựa vào những lý do này, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường số tiền trên cho ngân hàng. Thay vào đó, để giúp đỡ ngân hàng khắc phục một phần thiệt hại, công ty bảo hiểm chấp nhận hỗ trợ cho ngân hàng 50 triệu đồng. Gần đây, lại lần nữa công ty bảo hiểm tái khẳng định “không bồi thường” với lý lẽ “rủi ro ngập nước tại tầng hầm tòa nhà do nước mưa từ ngoài đường tràn vào làm ngập tầng hầm không phải là rủi ro bất ngờ”.
Ngược lại, phía ngân hàng vẫn tiếp tục kiên trì đòi công ty bảo hiểm phải bồi thường với lý do “đó là rủi ro bất ngờ”. Hiện ngân hàng đang chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để khởi kiện công ty bảo hiểm ra tòa.
Theo bạn, giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thì ai đúng, ai sai?


Cha mẹ chưa chết đã chia thừa kế
Theo hồ sơ, cuối năm 2003, vợ chồng anh L. đồng đứng đơn thuận tình ly hôn gửi ra TAND quận Hải Châu. Trong đơn, họ nói cha mẹ anh L. làm di chúc cho họ được thừa hưởng một căn nhà. Kèm theo đó là bản di chúc của cha mẹ anh L. lập năm 2002 cùng một lá đơn của ông bà gửi UBND phường Hòa Thuận xác nhận rằng vợ chồng anh L. được toàn quyền sở hữu ngôi nhà theo di chúc.
Tại phiên hòa giải sau đó, vợ chồng anh L. vẫn một mực xin được ly hôn. Về phần con cái, hai bên thỏa thuận để đứa con gái duy nhất sống với mẹ. Về phần tài sản, hai bên thống nhất giao ngôi nhà trên cho con gái được quyền sở hữu, sử dụng nhưng do cháu còn vị thành niên nên tạm thời giao anh L. quản lý, khi nào cháu đủ 18 tuổi thì sẽ sang tên. Tháng 1-2004, TAND quận Hải Châu đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn với các nội dung trên.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, lần lượt người vợ cũ tái giá, rồi anh L. cũng có hạnh phúc mới. Riêng cha mẹ anh L. cuối năm 2006 mới biết ngôi nhà mình đứng tên sở hữu đã bị chia khi họ còn sống sờ sờ. Vậy là họ lập di chúc mới, bỏ tên con dâu cũ ra ngoài diện hưởng thừa kế và khiếu nại lên VKSND TP Đà Nẵng.
Tháng 3-2007, VKS đã kháng nghị tái thẩm, nhận định khi xin ly hôn, vợ chồng anh L. tự chia nhà được hưởng thừa kế trong lúc cha mẹ anh L. - chủ sở hữu nhà chưa mất, thừa kế chưa mở là bất hợp pháp. Tòa phân xử mà không mời cha mẹ anh L. tham gia tố tụng là sai. Những sai sót đó đã xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của cha mẹ anh L. Theo VKS, việc cha mẹ anh L. hủy di chúc cũ, lập di chúc mới và khiếu nại phán quyết của tòa là tình tiết mới, đủ cơ sở để TAND TP Đà Nẵng tái thẩm, hủy phần công nhận thỏa thuận tài sản chung của vợ chồng anh L.
Ba tháng sau, VKSND TP Đà Nẵng lại rút quyết định kháng nghị tái thẩm. Theo văn bản này, “tình tiết mới” được đưa ra làm cơ sở kháng nghị tái thẩm không vững chắc, còn kháng nghị giám đốc thẩm thì đã hết thời hạn xem xét (ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật).
Hướng xử lý?


Tranh chấp 20 m2 đất
Cuối năm 1987, bà T. ở Vũng Tàu cắt một phần đất hợp pháp bán cho ông K. Tiếp đến, bà bán 184 m2 đất còn lại cho bà H. Cả hai hợp đồng chuyển nhượng đất này đều được UBND phường chứng nhận. Sau đó, Sở Xây dựng Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo đã cấp “giấy đỏ” cho hai người mua nhưng lại không ghi diện tích đất mà chỉ ghi diện tích nhà.
Thế rồi, rắc rối phát sinh khi ông K. cho rằng bà T. bán đất cho bà H. như trong hợp đồng chuyển nhượng là lấn sang phần đất ông đã mua trước đó. Vì thế, ông kiện bà T. ra tòa, yêu cầu “cắt bớt” phần diện tích bán cho bà H. lại cho ông.
TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thụ lý, đưa bà H. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đến năm 1995, ông K. và bà T. tự thỏa thuận là “cắt bớt” 20 m2 đất của bà H. giao cho ông K. Lạ một điều là TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này mà không hề làm việc, ghi nhận ý chí của bà H.
Oái oăm hơn, đến phiên phúc thẩm (được mở vì ông K. và bà T. kháng cáo), hai đương sự lại đồng loạt rút kháng cáo, buộc Tòa phúc thẩm TAND tối cao phải đình chỉ xét xử. Đương nhiên, quyết định của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hiệu lực pháp luật.
Đến khi biết chuyện, bà H. chỉ còn mỗi một cách là khiếu nại lên TAND tối cao đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Thế nhưng khiếu nại của bà sau đó đã không hề được hồi đáp.
Quyết định của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hiệu lực nhưng các cơ quan chức năng lại không đến đo đạc, cấp lại “giấy đỏ” cho các đương sự. Bốn năm sau, UBND tỉnh cấp “giấy đỏ” đồng loạt cho các hộ tại phường và cấp luôn cho bà H. theo đúng diện tích như trong hợp đồng chuyển nhượng ban đầu (184 m2) mà không hề hay biết đến phán quyết của tòa.
Đến lúc này, ông K. khiếu nại rằng UBND tỉnh cấp “giấy đỏ” cho bà H. như thế là đã phủ quyết bản án của tòa, làm mất của ông hơn 20 m2 đất. Ông K. khiếu nại mãi, đến cuối năm 2006, UBND tỉnh mới chịu công nhận phán quyết có từ năm 1995 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông K. được giải quyết đúng ý thì đến lượt bà H. bất bình. Không chịu mất 20 m2 đất, bà đâm đơn kiện chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra TAND tỉnh này.
Về nguyên tắc, bản án đã có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan, cá nhân phải thi hành. Vì thế, chủ tịch UBND tỉnh phải giải quyết khiếu nại cho ông K. như trên và bị bà H. kiện. Tuy nhiên, chỉ sau hơn ba tháng thụ lý, mới đây tòa đã tạm đình chỉ vụ kiện hành chính của bà H.
Có chuyện này bởi trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị lên UBND tỉnh cho dừng việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch tỉnh. Theo Sở, Sở không sai khi ghi nhận diện tích đất của bà H. là 184 m2 vì đã căn cứ vào hồ sơ chuyển nhượng, bản đồ trích lục trước năm 1975... Cạnh đó, bà H. cũng cho biết là giữa năm 2006, VKSND tối cao báo tin cho bà rằng đã yêu cầu TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển hồ sơ lên để xem xét.
Từ đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã gửi công văn đến tòa và các cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi hành quyết định của chủ tịch tỉnh. Dựa vào đó, TAND tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ kiện hành chính trên.
Xử lý thế nào?




Xử lý hình sự hay dân sự?
Theo đơn thư tố cáo của chị Trần Thị Thúy Vân (SN 1975, ngụ P. Bến Thành, Q1) thì khoảng tháng 9-2004, bà Triệu có giới thiệu cho chị Vân mua ba căn nhà số 009, 011 và 023 lô S chung cư Nguyễn Kim (cũ) với giá tổng cộng là 200 lượng vàng. Do bận việc nên quá trình ký hợp đồng và nộp tiền cho người bán, chị Vân đều nhờ bà Triệu đứng ra giao dịch. Mặc dù vậy, chữ ký và người đại diện hợp pháp bên mua được thể hiện rõ trong hợp đồng là chị Vân chứ không phải bà Triệu. Khoảng thời điểm cuối năm 2006, khi nhà nước có kế hoạch giải tỏa các hộ dân sống ở chung cư Nguyễn Kim, ba căn nhà trên cũng đã bị giải tỏa theo chủ trương. Chủ đầu tư đã thực hiện phương án đền bù bằng cách sẽ hoán đổi một căn hộ mới tương tự trong tương lai, sau khi chung cư mới xây xong, kèm theo số tiền hỗ trợ di dời hơn 300 triệu đồng. Mặc dù số tiền đền bù và phiếu tái định cư không thuộc của mình nhưng bà Triệu đã đứng ra... nhận giùm cùng với phiếu tái định cư của ba căn nhà trên mà không thông qua chị Vân. Đến khi phát hiện ra hành vi sai phạm của bà Triệu, chị Vân đã yêu cầu bà Triệu trả lại căn hộ chung cư mới nhưng bà Triệu hứa lần hứa lữa sau đó lánh mặt. Những lần sau này khi bị chị Vân “truy” đòi trả tài sản, bà Triệu đã lên giọng “giang hồ” hăm dọa cho đàn em ở quận 4 qua xử. Còn về phần các căn hộ chung cư Nguyễn Kim mới, ngay sau khi “tiếp quản”, bà Triệu đã đem bán cho nhiều người để bỏ túi thêm hàng chục cây vàng.
Ngoài “chiêu” dùng những căn hộ Nguyễn Kim để làm cơ sở lấy tiền, vàng nhiều người, bà Triệu còn “sử dụng” căn nhà 7A Bắc Hải như “một miếng mồi” đưa thêm những người khác vào tròng. Bằng thủ đoạn gợi ý hùn mua nhà, nhận tiền mua giùm, cầm cố thế chấp... sau khi nhận được tiền, vàng của các nạn nhân, bà Triệu đã thẳng thừng tuyên bố... nợ. Hiện theo hồ sơ chúng tôi ghi nhận được, ngoài chị Vân bị bà Triệu chiếm đoạt 19,5 lượng vàng (trong vụ căn nhà 7A Bắc Hải), một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Kim Hồng (SN 1967, ngụ P12Q10). Sau khi nghe kế hoạch hùn hạp, để mua lại căn nhà 7A Bắc Hải, chị Vân đã ứng trước cho bà Triệu 22,5 lượng vàng nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được nhà. Danh sách nạn nhân của “cái bánh vẽ” căn nhà 7A Bắc Hải cứ thế đã dài ra theo thời gian. Một số nạn nhân như: bà Ngọc (Q10) 40 lượng, anh H. (Q10) gần 20 lượng... Trong khi đó, theo thông tin từ Thi hành án dân sự quận 10, chúng tôi được biết căn nhà 7A Bắc Hải (P15Q10) lại không phải nhà bà Triệu mà hiện đang nằm trong diện nhà nước quản lý. Bà Triệu chỉ là người thuê ở và không được xét hồ sơ mua nhà hóa giá. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bà Triệu gặp ai cũng cho rằng nhà này “thuộc tiêu chuẩn” của mình và dùng nó để lấy tiền của nhiều người.






Chiếc RAM máy vi tính

Một công ty nhập, phân phối ram máy vi tính bị tước văn bằng bảo hộ vì nhà sản xuất nước ngoài đang sử dụng nhãn hiệu sản phẩm này.
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa xử vụ Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật ứng dụng VS kiện quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một vụ kiện khá mới xung quanh việc đăng ký nhãn hiệu bộ nhớ máy vi tính (ram).
Theo hồ sơ, tháng 10-2005, Công ty VS nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hóa cho sản phẩm ram máy vi tính nhãn hiệu K. của một công ty ở Đài Loan và hơn một năm sau thì được cấp bằng.
Sau đó, phát hiện một doanh nghiệp khác nhập bán sản phẩm K. không rõ nguồn gốc, Công ty VS đã thông báo, được cơ quan quản lý thị trường xác định đó là hàng giả và đề xuất UBND TP.HCM phạt doanh nghiệp nọ 100 triệu đồng. Tức mình, doanh nghiệp nọ khiếu nại yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ văn bằng đăng ký nhãn hiệu đã cấp cho Công ty VS với lý do VS chỉ là nhà phân phối, không phải đơn vị sản xuất.
Nhận đơn khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ đã thông báo cho VS và công ty này đã nộp bổ sung bản tuyên thệ của nhà sản xuất ở Đài Loan đồng ý cho VS nộp đơn đăng ký nhãn hiệu K. tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ không chấp thuận vì nộp trễ (lý giải vì sao không nộp bản tuyên thệ lúc đăng ký, Công ty VS cho biết khi đó Cục không yêu cầu). Thế là tháng 10-2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định hủy bỏ văn bằng đã cấp với lý do Công ty VS không đủ điều kiện nộp đơn.
Công ty VS khởi kiện. Tại phiên sơ thẩm của TAND TP.HCM, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Công ty VS không có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vì chỉ là đại lý phân phối, không phải nhà sản xuất. Trong việc này, chỉ có nhà sản xuất ở Đài Loan mới có tư cách nộp đơn. Ngược lại, Công ty VS cho rằng dựa vào điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định 63 (về sở hữu công nghiệp) thì một đơn vị kinh doanh cũng có quyền nộp đơn.
Một vấn đề khác gây tranh cãi giữa Công ty VS và Cục Sở hữu trí tuệ là theo khoản 3 Điều 220 Luật Sở hữu trí tuệ, đối với văn bằng cấp sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thì việc hủy bỏ các văn bằng đó áp dụng theo quy định tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. Ở đây, VS đã được cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 11-2006, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực. Tuy nhiên, khi ra quyết định hủy bỏ văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ lại căn cứ vào Nghị định 63 (đã hết hiệu lực tại thời điểm VS được cấp văn bằng). Giải thích, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ thay đổi nhiều lần nên không thống nhất. Tại thời điểm cấp văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ căn cứ vào Nghị định 63, không căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ.
Cuối cùng, TAND TP đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty VS, hủy quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã cấp cho công ty này.
Giải quyết vụ việc tưởng khá phức tạp này theo thủ tục phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã vận dụng chính Nghị định 63 để ra phán quyết trái ngược với cấp sơ thẩm.
Cụ thể là tòa phúc thẩm cho rằng quy định ở điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định 63 bao gồm hai phần: Thứ nhất, nhà sản suất không phản đối việc nộp đơn. Thứ hai, nhà sản suất không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đó.
Trong trường hợp này, nhà sản xuất ở Đài Loan đồng ý cho Công ty VS nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ram máy vi tính K. Tuy nhiên, nhà sản xuất này vẫn còn sử dụng nhãn hiệu K. để sản xuất và bán sản phẩm tại các nước nên VS chưa đủ điều kiện nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này tại Việt Nam. Mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, khi kiểm tra, phát hiện sai luật, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền sửa đổi, hủy bỏ quyết định đã cấp...
Từ những phân tích trên, tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên giữ nguyên quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ sản phẩm K. của Công ty VS.
Hướng xử lý?







Bảo hành nhà: Theo luật hay hợp đồng?


Luật buộc bảo hành 60 tháng nhưng hợp đồng mua bán nhà ghi bảo hành có 24 tháng. Tòa nhà Đất Phương Nam (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được ký hợp đồng bán cho các hộ dân làm hai đợt, tháng 4-2006 và tháng 2-2007.
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại Đất Phương Nam, chủ đầu tư tòa nhà, thông báo hết thời hạn bảo hành nhà vào ngày 30-4-2008. Những hư hỏng sau đó của các căn hộ sẽ do chủ sở hữu tự bỏ chi phí để sửa chữa.
Tại buổi họp giữa hai bên sáng 18-1, ông Hoàng Nghĩa Long (phòng 1, lầu 6, lô B) cho biết nhiều thiết bị trong tòa nhà đã bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Tường bị thấm nước, sơn tường tróc loang lổ, một số căn hộ hễ xả nước nhiều thì hệ thống thoát nước nghẹt ứ. “Phải kéo dài thời gian bảo hành tòa nhà để sửa chữa những hư hỏng trên. Chúng tôi mua nhà cao cấp mà phải chịu những hiện tượng như thế là không được” - ông Long nói. Nhiều người dân yêu cầu công ty phải bảo hành tòa nhà trong 60 tháng theo Luật Nhà ở dành cho cao ốc cao trên chín tầng.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Đất Phương Nam, giải thích thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực (từ ngày 1-7-2006) thì công ty ông đã xây dựng gần xong tòa nhà. Nhà thầu xây dựng và các công ty cung cấp thiết bị không đồng ý kéo dài thời hạn bảo hành công trình. Nếu như vậy, họ phải mua bảo hiểm công trình và thiết bị, chi phí kết cấu, xây dựng thiết bị điện cơ sẽ đội lên. Đến thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, công ty đã ký hợp đồng bán nhà cho hơn 100 khách hàng. Những hợp đồng ký sau ngày 1-7-2006, công ty cũng thống nhất giữ lại điều khoản này. “Khách hàng ký hợp đồng thì phải tuân theo quy định của hợp đồng chứ không thể khác được” - ông Hùng khẳng định.
Người dân cho rằng những thiết bị điện gia dụng, nước, đồ gỗ... thì có thể bảo hành trong 24 tháng như hợp đồng. Còn những hạng mục khác như hệ thống điện, nước, kết cấu tòa nhà phải được bảo hành 60 tháng. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng công ty chỉ bảo hành phần kết cấu của tòa nhà tức là cột, đà nhà chứ không phải là tất cả thiết bị, hệ thống liên quan đến căn hộ. “Hợp đồng ghi bảo hành trong 24 tháng nhưng những kết cấu căn nhà như hệ thống chịu lực, đà, tường... thì công ty sẽ bảo đảm cho chủ nhà từ 50 đến 100 năm chứ không phải năm hay 10 năm” - ông Hùng nói.
Theo Điều 74 Luật Nhà ở, nội dung bảo hành nhà ở bao gồm khắc phục, sửa chữa, thay thế kết cấu nhà ở, thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết hoặc khi vận hành sử dụng không bình thường không phải do lỗi của người sử dụng nhà gây ra. Còn chuyện thiết bị điện, cơ... kèm theo nhà chung cư trên chín tầng có phải bảo hành 60 tháng hay không thì chưa rõ.

Thụt két công ty

Lê Minh Tuấn và Chu Thủy Chi cùng là nhân viên của Chi nhánh Công ty cổ phần Sữa Việt Nam tại Hà Nội (Vinamilk Hà Nội). Chi đã giúp cho Tuấn thụt két công ty lấy hàng tỷ đồng.
Theo hồ sơ, Tuấn là lái xe của công ty có nhiệm vụ chở hàng giao cho các đại lý và lấy tiền hàng về nộp công ty. Chi là thủ quỹ nhận tiền từ Tuấn. Lợi dụng mối quan hệ quen biết nên nhiều lần sau khi nhận tiền thanh toán, Tuấn ôm luôn để đánh đề, tiêu xài cá nhân... Mỗi lần như thế, Tuấn nhắn tin cho Chi biết để nhờ Chi cất giấu các liên bản kê thu tiền (bản này lái xe và Chi mỗi người giữ một bản để đối chiếu). Vì tin tưởng Tuấn nên dù không được hưởng lợi gì cả Chi vẫn nghe theo. Tổng cộng lái xe này đã cùng Chi thụt két hơn một tỷ đồng của công ty. Ngoài ra, hơn 3,6 tỷ đồng mà các lái xe khác nhờ Tuấn về nộp giúp cũng bị Tuấn dùng chiêu trên cuỗm mất.
Khi vụ thất thoát bị phát hiện, Chi đã đứng ra nhận là mình lấy rồi dùng tiền của gia đình trám vào. Sau đó, Tuấn buộc phải ký một giấy nhận là vay của gia đình Chi số tiền trên (khoảng 4,8 tỷ đồng) vì gia đình biết là do Tuấn chiếm đoạt. Tuy nhiên, đến thời hạn Tuấn không trả được nên gia đình Chi báo công an.
Trong vụ này lấn cấn chỗ định tội danh của Chi. Ban đầu khi phát hiện vụ án, cơ quan điều tra, VKSND TP Hà Nội xác định Tuấn và Chi phạm tội tham ô, trong đó Tuấn là chủ mưu, Chi đồng phạm do giúp sức tích cực. Tuy nhiên, sau đó hai cơ quan này đã thay đổi tội danh, tách Chi ra khởi tố, truy tố về tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng do không làm đúng các quy trình thủ tục gây thất thoát tài sản công ty. Xử sơ thẩm lần một vào cuối năm 2006, TAND TP Hà Nội đã nghiêng theo quan điểm này và phạt Chi năm năm tù tội cố ý làm trái.
Giữa năm 2007, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội thấy vụ án còn nhiều mâu thuẫn cần xem xét lại để có cơ sở xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai nên đã hủy án sơ thẩm.
Điều tra lại vụ án, Công an TP Hà Nội thấy rằng khởi tố Chi tội tham ô mới chuẩn xác nên quay lại y như lần đầu tiên, chuyển tội danh của Chi từ cố ý làm trái thành tội tham ô tài sản. Xong hồ sơ, phía điều tra chuyển sang VKS để truy tố. Lần này, cáo trạng và luận tội của kiểm sát viên kiên quyết bảo vệ chuyện Chi phạm tội tham ô do đồng phạm với Tuấn. Chi đã giúp sức tích cực và nhờ có sự giúp sức này thì Tuấn mới có thể “ẵm” được tiền của công ty.
Thế nhưng những lập luận này không thuyết phục được hội đồng xét xử. Ngày 29-12-2008, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Hà Nội bác quy kết của VKS về tội tham ô. Một lần nữa tòa giữ lập trường cho rằng Chi chỉ phạm tội cố ý làm trái và chỉ phạt Chi ba năm tù so với phạt năm năm tù ở lần xử trước.
Vụ án có vấn đề dân sự khá lý thú trong việc hoàn trả lại tiền cho gia đình Chi. Trước đó, Chi nhận mình lấy tiền của công ty nên đã cùng gia đình gom tiền trả lại công ty khoảng 4,8 tỷ đồng. Khi tòa xử, gia đình đề nghị phía công ty trả lại cho họ hơn 4,1 tỷ đồng sau khi đã trừ phần tiền của Chi ở trong đó.
Xử sơ thẩm lần một, TAND TP Hà Nội cho rằng số tiền gia đình Chi nộp chỉ là vật chứng vụ án, không phải là tiền của Chi nên phía Vinamilk Hà Nội phải trả lại cho chủ. Ở phiên xử sơ thẩm lần hai, tòa cũng nhận định Chi và gia đình lo sợ Chi bị mất việc làm, ảnh hưởng danh dự nên gia đình mới nộp tiền khắc phục hậu quả cho Chi. Do vậy nhất thiết phía công ty phải trả lại cho gia đình Chi số tiền đang chiếm giữ.
Về chuyện này, phía Vinamilk cực lực phản đối bởi theo họ đây là tiền mà Chi tự nguyện khắc phục hậu quả. Việc công ty phải trả lại cho gia đình Chi là trái với khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử.
Ý kiến Anh, Chị về dân sự?





Có nên cấm mặc đồ tang dự tòa?
Hiện nay, có rất nhiều phiên tòa hình sự, phía gia đình nạn nhân mặc đồ tang, đem di ảnh của nạn nhân vào phòng xử. Phiên tòa nhuốm đầy màu bi ai với những tiếng khóc, những vành khăn trắng gục lên gục xuống...
Không ít luật sư cho biết gặp cảnh tượng này, họ cảm thấy rất nặng nề. Đặc biệt, những luật sư bào chữa cho bị cáo càng bị áp lực ghê gớm. Nếu bình thường, họ có thể bào chữa cho bị cáo với tâm lý ổn định thì khi thấy tang phục, di ảnh gợi lên sự tang thương tột độ, họ sẽ bất an, thiếu tự tin, bào chữa không tốt.
Không chỉ luật sư, nhiều thẩm phán cũng thừa nhận rằng không khí chốn công đường vốn đã nặng nề lại càng trở nên nặng nề hơn khi xuất hiện những hình ảnh đó. Thẩm phán đôi khi cũng thấy ức chế khi điều khiển phiên tòa, tâm lý cũng căng thẳng.
Theo phong tục, tang phục thường dùng ở những nơi liên quan đến lễ tang, còn tòa án là nơi xét xử, thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật. Từ đó, đã có người cho rằng bị cáo có tội hay không, phải chịu hình phạt như thế nào... đã có cả một guồng máy cơ quan tố tụng xem xét, xử lý theo quy định. Việc thân nhân người bị hại mặc đồ tang, đem di ảnh không giúp ích gì được cho việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án mà chỉ gây ra áp lực tâm lý không cần thiết cho cán bộ tiến hành tố tụng hay người tham gia phiên tòa.
Vậy theo bạn, có nên cấm mặc đồ tang, đưa di ảnh nạn nhân khi tham dự phiên tòa?



Bể hợp đồng, dân chịu thiệt!

Cách đây 12 năm, UBND huyện Vĩnh Cửu được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương quy hoạch đất thổ cư ở xã Thạnh Phú.
Huyện này được phép thu tiền để cấp quyền sử dụng đất cho dân. Nói nôm na, người dân được ký với huyện hợp đồng ứng trước tiền để mua đất thổ cư.
Cuối năm 1996, ông D. (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã ký với Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện hợp đồng nói trên và đã tạm ứng 12 triệu đồng. Theo hợp đồng, huyện sẽ giao cho ông D. một lô đất 200 m2 dọc theo đường mới xây dựng ở ấp I, xã Thạnh Phú. Thời gian giao đất chậm nhất là ngày 30-2-1997 (?!).
Quá thời hạn giao đất, ông D. vẫn chưa biết hình thù lô đất mình đã ứng tiền mua. Nhưng ông vẫn kiên nhẫn chờ đợi từng ngày để nhận đất. Song mong mỏi của ông D. hoàn toàn tắt ngúm khi vào tháng 11-2008 vừa qua, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện đòi thanh lý hợp đồng.
Trong biên bản thanh lý, đơn vị này đã viện dẫn lý do: “Thời hạn giao đất chậm nhất là ngày 30-2-1997. Tuy nhiên, ngày 30-2-1997 lại là ngày không có trong dương lịch hay âm lịch”. Hơn nữa, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo hủy bỏ toàn bộ hợp đồng ứng tiền đã ký vì lẽ đất trên người dân đang sử dụng, chính quyền không thể thu hồi.
Phòng đề nghị hoàn lại cho ông D. 12 triệu đồng tiền tạm ứng cùng với lãi suất ngân hàng. Tổng cộng, ông D. được giao trả hơn 23 triệu đồng.
Ông D. không đồng ý với cách xử lý này. Theo ông, việc ghi sai ngày tháng là lỗi của huyện chứ không phải tại ông. Làm phép so sánh, ông D. bảo số tiền mình ứng trước để mua lô vào thời điểm năm 1996 có thể mua được ba lượng vàng. Giờ thì với số tiền hơn 23 triệu đồng được trả, ông chỉ mua được hơn một lượng vàng. Ông mong muốn huyện bồi thường cho ông gấp ba lần tiền đã nhận cộng với lãi suất ngân hàng trong suốt 12 năm.
Chuyện rõ ràng là hợp đồng bị hủy trong khi ông D. không có lỗi. Nhiều người chặc lưỡi bảo rằng hướng xử lý như ông D. đề xuất là còn nhẹ vì ông chỉ tính thiệt hại trên sự thay đổi của giá vàng. Chứ nếu không, ông có thể yêu cầu trả tiền tương xứng với giá trị thực tế của lô đất đáng lẽ mình được nhận hoặc yêu cầu huyện bố trí cho mình một lô đất khác có giá trị tương đương. Bởi lẽ khi ứng tiền mua lô đất, ông D. chỉ muốn được nhận đất chứ không phải bị trả lại tiền cứ như cho vay có lãi suất.
Hướng xử lý?

Tôi đang làm việc tại một công ty cổ phần trên địa bàn TP Cần Thơ. Công ty tôi có thuê bảo vệ tại cơ quan (có ký HĐLĐ). Ngày 15-5-2008, nhân viên công ty tôi bị mất xe gắn máy (honda) tại trụ sở công ty. Vào thời điểm mất xe, bảo vệ được người quản lý trực tiếp tại công ty phân công làm một công việc khác (không có lịch trực bảo vệ tại thời điểm mất xe). Xin hỏi: Nhân viên công ty bị mất xe tại công ty có được bồi thường không? Ai sẽ bồi thường chiếc xe bị mất (công ty hay bảo vệ)? Giá trị bồi thường là bao nhiêu phần trăm giá trị tài sản (chiếc xe)?








Kiện gà... mất trâu!


Tòa định giá đất tranh chấp cao vời vợi khiến người thắng kiện có thể mất cả chì lẫn chài.
Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh vừa gửi công văn “cầu viện” TAND tối cao để cơ quan thi hành án tỉnh này có thể thi hành một bản án do chính TAND tỉnh Tây Ninh xét xử. Do tòa định giá đất cao hơn giá trị thực tế khoảng... ba lần nên việc thi hành án sẽ gây thiệt hại cho người thắng kiện.
Trước giải phóng, gia đình bà Huỳnh Thị Lường cho gia đình ông C. mượn hơn 3.500 m2 đất tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh để trồng lúa. Khi đó, đất có nhiều hố bom, phía ông C. đã bỏ nhiều công sức để san lấp... Năm 1993, bà Lường được UBND huyện Trảng Bàng cấp “giấy đỏ”, trong đó có cả phần đất này. Nay bà Lường yêu cầu gia đình ông C. trả lại đất.
Khi xét xử sơ thẩm vụ án vào tháng 4-2004, TAND huyện Trảng Bàng cho phép bà Lường lấy lại toàn bộ số đất trên. Đồng thời, bà Lường có trách nhiệm thanh toán cho ông C. gần 19 triệu đồng tiền công lấp hố bom và giá trị các cây trên đất. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm tháng 5-2005, TAND tỉnh Tây Ninh chỉ cho phép bà Lường nhận lại 1/2 diện tích đất trên. Căn cứ vào biên bản định giá của cấp sơ thẩm với giá đất là 100 ngàn đồng/m2, tòa này buộc bà Lường phải thanh toán cho ông C. hơn 182 triệu đồng là giá trị 1/2 đất được giao trả.
Để thi hành bản án trên, Thi hành án huyện Trảng Bàng đã quyết định kê biên căn nhà của bà Lường. Ngày 1-4-2008, Thi hành án huyện ra thông báo sẽ cưỡng chế bà Lường thi hành án.
Phát hoảng với thông tin này, bà Lường đã gửi đơn đề nghị dừng việc cưỡng chế. Tháng 6-2008, sau khi xác minh thấy giá trị phần đất mà bà Lường được nhận chưa tới 1/2 số tiền tòa tuyên, Thi hành án huyện Trảng Bàng đã gửi công văn đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh làm rõ căn cứ định giá đất khi xét xử. Theo cơ quan này, đất tại vị trí trên nếu theo bảng giá quy định của tỉnh giá 9,5 ngàn đồng/m2, nếu theo thị trường giá khoảng 30-40 ngàn đồng/m2. Chẳng rõ vì sao tòa phúc thẩm lại chấp nhận giá 100 ngàn đồng/m2 - cao gấp ba lần giá thị trường? Không lẽ chỉ vì muốn nhận hơn 1.700 m2 đất nông nghiệp, bà Lường phải “hy sinh” căn nhà mà cả gia đình đang ở.











Tùy tiện thay đổi thành viên hội đồng quản trị
Nguyên là năm 2006, do có trục trặc chuyện làm ăn nên Công ty Mandarin Hongkong và Công ty Sản xuất kinh doanh và dịch vụ 990 đã phải nhờ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam giải quyết. Tại đây, hai bên đã hòa giải thành và thống nhất cho phía Mandarin thay thế hai thành viên HĐQT ở Công ty G. mà hai bên góp vốn làm ăn chung. Tuy nhiên, chuyện thay thế này phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định pháp luật...
Sau đó, vụ việc được chuyển sang cơ quan THA TP để thi hành. Một thời gian sau, cơ quan THA đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép Công ty G. nói trên được thay thế hai thành viên HĐQT như đã hòa giải. Phía Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý xác nhận sự thay đổi này.
Nhận được văn bản của Sở báo mình bị thay thế, hai thành viên cũ của HĐQT đã lập tức khiếu nại. Theo hai ông này, cơ quan THA ra văn bản đề nghị Sở cho thay thế hai thành viên HĐQT là trái với quyết định của trọng tài và vượt thẩm quyền. Bởi lẽ, chuyện thay thế thành viên phải được toàn thể thành viên HĐQT biểu quyết. Trong khi đó, HĐQT chưa bao giờ thông qua việc thay thế này. THA chỉ dựa vào sự đề nghị đơn phương của phía Mandarin rồi ra văn bản là không đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật. Đó là chưa kể khi có văn bản xác nhận sự thay thế của Sở thì hai thành viên vừa nêu bị đẩy ra khỏi cơ quan, biến họ từ người góp vốn thành kẻ trắng tay mà chưa kịp biết mình “chết” vì lý do gì. Hai thành viên này đề nghị Cục hủy công văn của THA TP.
Ý kiến Anh Chị?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét